Sự phát triển Hình_thái_kinh_tế-xã_hội

Hình thái kinh tế - xã hội là một hệ thống, trong đó, các mặt của hình thái kinh tế-xã hội tác động qua lại với nhau tạo nên các quy luật vận động, phát triển khách quan của xã hội. Chính sự tác động của các quy luật khách quan đó mà hình thái kinh tế xã hội tuy là phạm trù xã hội nhưng lại có khuynh hướng phát triển như một quy luật tự nhiên, nó vận động phát triển từ thấp đến cao. Xã hội loài người đã phát triển trải qua nhiều hình thái kinh tế - xã hội nối tiếp nhau. Trên cơ sở phát hiện ra các quy luật vận động phát triển khách quan của xã hội, C.Mác đã đi đến kết luận rằng:

Tôi coi sự phát triển của các hình thái kinh tế-xã hội là một quá trình lịch sử-tự nhiên
— C.Mác[4][5]

Lịch sử xã hội do con người làm ra, con người tạo ra các quan hệ xã hội của mình và đó là xã hội. Nhưng sự vận động của xã hội lại tuân theo quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn của con người mà nguồn gốc sâu xa của sự thay thế nhau giữa các hình thái kinh tế-xã hội nằm ở chỗ:

  • Sự phát triển của lực lượng sản xuất, gây nên sự thay đổi của quan hệ sản xuất.
  • Và rồi đến lượt mình, sự thay đổi của quan hệ sản xuất (với tư cách là cơ sở hạ tầng) sẽ làm cho kiến trúc thượng tầng thay đổi.
  • Do vậy, từ những yếu tố cấu trúc của mỗi một hình thái kinh tế xã hội thay đổi dẫn đến hình thái kinh tế-xã hội này được thay thế bằng hình thái kinh tế-xã hội khác cao hơn, tiến bộ hơn. C.Mác đã viết về một trường hợp cụ thê: "Sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hoá lao động đạt đến cái điểm mà chúng không còn thích hợp với cái vỏ tư bản chủ nghĩa của chúng nữa... nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lại đẻ ra sự phủ định bản thân nó, với tính tất yếu của một quá trình tự nhiên" [6]

Sự thay thế nhau như vậy giữa các hình thái kinh tế-xã hội là con đường phát triển chung của nhân loại. Quá trình đó diễn ra một cách khách quan chứ không phải theo ý muốn chủ quan. Sự biến đổi đó của hình thái kinh tế-xã hội không chịu sự tác động của con người mà tuân theo các quy luật xã hội khách quan.

Chỉ có đem quy những quan hệ xã hội vào những quan hệ sản xuất, và đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ của những lực lượng sản xuất thì người ta mới có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của những hình thái xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên
— V.I.Lênin[7]